Khám phá những ngôi nhà trình tường độc đáo của người Hà Nhì.

Lừng danh bao năm với chất men say của rượu Sán Lùng; những biển mây trắng xoá như đưa người lữ khách vào chốn tiên cảnh; những điểm đến tuy xa xôi nhưng lại “nắm giữ” trái tim của biết bao người ưa mạo hiểm và theo chủ nghĩa xê dịch - nơi đó chính là Y Tý. Thế nhưng Y Tý không chỉ hớp hồn người lữ khách bằng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn bằng những nét văn hoá, phong tục, lối sống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số trong tại đây. Đặc biệt, khi đến Y Tý bạn sẽ được chiêm ngưỡng những ngôi nhà trình tường vô cùng thú vị của người Hà Nhì ẩn hiện giữa núi rừng bao la.

Kham-pha-nhung-ngoi-nha-trinh-tuong-doc-dao-cua-nguoi-ha-nhi-vietmountain-travel2

Y Tý tháng 9 mùa lúa chín - Ảnh: Nhật Linh Phạm

Người Hà Nhì là đồng bào dân tộc thiểu số, sống tập trung ở hai tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, tại 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu giáp biên giới Việt Trung. Họ sống định cư thành các bản khoảng 50 đến 60 hộ, làm ruộng lúa nước (bậc thang) và chăn nuôi trồng trọt. Người Hà Nhì ở Y Tý - Bát Xát thường xây những ngôi nhà tường trình để làm nơi ở.

Kham-pha-nhung-ngoi-nha-trinh-tuong-doc-dao-cua-nguoi-ha-nhi-vietmountain-travel4

Người Hà Nhì chọn những sườn đồi thoai thoải sau những dãy núi để làm nhà - Ảnh: Thế Anh

Xây nhà luôn là một trong những việc vô cùng trọng đại của mỗi gia đình. Chính vì thế nên các gia đình đồng bào Hà Nhì rất cẩn trọng từ khi bắt đầu khởi công làm nhà cho đến lúc hoàn thành. Theo quan niệm của người đồng bào Hà Nhì hướng nhà bao giờ cũng quay ra phía đông, lưng nhà sẽ tựa vào núi. Bới hướng nhà này này sẽ tạo cho ngôi nhà bề thế vững chắc, sáng sủa, an lành và sung túc. Sau khi chọn được lành lành tháng tốt, chủ nhà sẽ rắc 3 hạt thóc xuống nền nhà để tượng trưng cho việc mùa màng được sinh sôi, nảy nở.

Kham-pha-nhung-ngoi-nha-trinh-tuong-doc-dao-cua-nguoi-ha-nhi-vietmountain-travel5

Góc nhà trình tường của người Hà Nhì - Ảnh: Quang Phạm

Từ quan niệm cũng như môi trường sống nên người Hà Nhì đã hình thành nên nét độc đáo trong văn hoá kiến trúc của ngôi nhà tường trình. Nhà trình tường được người Hà Nhì có ưu điểm vừa giữ ấm về mùa đông, vừa mát mẻ trong mùa hè và còn có thể chống được kẻ gian hay thú dữ xâm hại.

Một ngôi nhà trình tường thường có móng nhà được đào sâu khoảng 1m rồi kè bằng đá kết hợp với chất kết dính là đất trộn nhuyễn lên cao hơn mặt sân khoảng 40 - 60cm. Vật liệu chính để làm tường nhà là đất sét, đất cao lanh hat đất thịt ở dưới chân núi đá vôi. Trong quá trình hoàn thiện, người dân sẽ tiếp tục lấy vồ gỗ đập vào thành các bức tường cả ở phía trong lẫn phía ngoài làm cho bề mặt tường thật phẳng và mịn. Sau khi tường đã trình xong sẽ đến công đoạn lắp ghép các xà và đòn tay gỗ để lợp mái. Người Hà Nhì sẽ lên rừng để lấy cỏ gianh về để lợp mái. Cỏ gianh lấy về được bện thành từng lớp, phủ liền nhau, lớp nọ chồng lên lớp kia. Độ dày của mái nhà làm từ cỏ gianh dày khoảng 50cm. Việc sử dụng cỏ gianh để mái cũng là lý do giúp cho nhà của đồng bào ở Y Tý mát vào mùa hè và ấm áp khi đông đến.

Kham-pha-nhung-ngoi-nha-trinh-tuong-doc-dao-cua-nguoi-ha-nhi-vietmountain-travel6

Không gian bên trong ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì - Ảnh: Nhật Linh Phạm

Nét độc đáo trong kiến trúc nhà trình tường của người Hà Nhì được thống nhất theo một khuôn mẫu định sẵn. Nhà dù to, dù nhỏ thì đều phải có ba gian và hai cửa. Bên trong nhà sẽ là hệ thống cột gỗ để phân chia các phòng. Ba gian nhà chính được sắp xếp như sau: gian nhà giữa có diện tích lớn nhất, đây là gian để ban thờ tổ tiên, đồng thời cũng là nơi để tiếp khách, ăn uống của gia đình. Gian bên trái dùng để đặt bếp nấu nướng và buồng ngủ của vợ chồng gia chủ. Gian bên phải dùng đế đặt bếp sưởi và giường khách.

Kham-pha-nhung-ngoi-nha-trinh-tuong-doc-dao-cua-nguoi-ha-nhi-vietmountain-travel10

Những ngôi làng bình yên khi hoàng hôn buông - Ảnh: Phan Tuấn

Hai cửa trong nhà thì sẽ có một cửa to là cửa chính cùng một cửa phụ và có tối thiểu hai cái cửa sổ. Đặc biệt trong nhà người Hà Nhì nào cũng có một sàn gác để cất giữ lương thực, thực phẩm và đồ đạc trong nhà. Lúa, ngô, đậu tương khi thu hoạch về sẽ được cất lên gác, khỏi bếp sẽ hạn chế được sự ẩm mốc và sâu mọt.

Ngày nay, đời sống vật chất cũng như văn hoá tinh thần của người Hà Nhì đã được nâng cao nên vật liệu làm nhà sẵn có, tiện lợi. Nhiều nhà đã chọn lợp mái tôn, mái ngói thay cho mái tranh khiến ngôi nhà trình tường trở nên khang trang, bền, đẹp mà vẫn giữ được nét đẹp độc đáo truyền thống của người Hà Nhì.

Kham-pha-nhung-ngoi-nha-trinh-tuong-doc-dao-cua-nguoi-ha-nhi-vietmountain-travel9

Ngoài những ngôi nhà trình tường thì săn mây, ngắm ruộng bậc thang là những trải nghiệm thú vị khi bạn đến T Tý - Ảnh: Thiên Anh

Những nét riêng cổ kính của ngôi nhà trình tường đất nện luôn là điều hấp dẫn đối với những người từ xa tới đây và là nơi được các thế hệ người Hà Nhì luôn trân trọng, nâng niu. Ngôi nhà đất, bốn mái đều nhau được lợp bằng cỏ gianh, nằm san sát nhau tựa như những cây nấm khổng lồ đang vươn mình trên các triền núi. Thi thoảng trong bức tranh của rừng núi lại có những mái nhà lâu năm chưa lợp lại rêu phủ xanh lại khiến ngôi nhà ấy tự nhiên đẹp lạ đến mê hồn. Giữa mênh mông núi rừng, bên những triền ruộng bậc thang mềm mại, mây trắng lơ lửng bay, những ngôi nhà trình tường ẩn ẩn hiện hiện khiến cho Y Tý lại càng đẹp hơn trong mắt, trong tim những lữ khách từ phương xa tới.

Kham-pha-nhung-ngoi-nha-trinh-tuong-doc-dao-cua-nguoi-ha-nhi-vietmountain-travel8

Những ngôi nhà bằng đất ẩn hiện sau mây khi bình minh lên - Ảnh: Phan Tuấn

Những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhi từ bao đời nay vẫn luôn mang trong mình vẻ đẹp nguyên sơ, thơ mộng và độc đáo riêng giữa màu xanh của cây, màu nâu của đất rừng. Bởi thế mà nhiều người, khi được tận mắt thấy những mái nhà trình tường xanh rêu trong sương trắng, đã phải thốt lên “thiên đường là đây rồi!”. Thiên nhiên, cảnh sắc, văn hoá và con người hòa quyện vào với nhau khiến Y Tý trở thành một kiệt tác khiến bao con tim rung lên bồi hồi khi được đặt chân đến đây.

Tổng hợp Vietmountain Travel

Thêm đánh giá

Bạn vui lòng cho chúng tôi biết cảm nhận của bạn. *