Du lịch Yên Tử mùa xuân có gì hấp dẫn
Không rực rỡ sắc đào như những địa điểm du lịch khác, vào dịp Tết đến xuân sang, Yên Tử lại thu hút đông đảo du khách đến tham quan và chiêm bái. Rất nhiều người muốn chọn cho mình tour du lịch yên Tử mùa xuân nhưng ít ai biết rõ nên tham quan và chiêm bái ở đâu Yên Tử. Bài viết này của Vietmountain Travel sẽ là gợi ý "hay ho" dành cho bạn đấy nhé!
1. Giới thiệu tổng quan về khu di tích Yên Tử
Khu di tích Yên Tử nằm trên núi yên Tử - một ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều, nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam. Nơi đây trở thành trung tâm Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, khoác áo cà sa. Và dòng Phật giáo “Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử”- dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam đã được thành lập từ đó.
Đồng thời, ông cũng cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi để làm nơi tu hành, truyền kinh và giảng đạo. Đến nay, Yên Tử đã trở thành nơi tham quan và chiêm bái nổi tiếng thu hút du khách thập phương.
2. Tham gia lễ hội Yên Tử dầu xuân
Việt Nam mình vẫn có câu “Trăm năm tích đức tu hành- Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu”. Đó là câu thơ nổi tiếng mỗi khi nhắc tới Yên Tử. Bởi vậy, hằng năm, cứ đến đầu tháng Giêng là du khách thập phương lại tấp nập đổ về Yên Tử để lễ Phật và cầu may.
Mồng 10 tháng Giêng, nơi đây sẽ diễn ra lễ khai mạc hội xuân truyền thống với nhiều hoạt động: dâng hương cúng Phật và bái tổ Trúc Lâm; lễ khai ấn “Dấu thiêng Chùa Đồng”; biểu diễn văn nghệ tái hiện lại sự tích lịch sử, huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái trúc Lâm tôn kính,... Không khí lễ hội tưng bừng và nhộn nhịp vô cùng; kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Và để tỏ lòng thành tâm, du khách đến đây thường leo bộ lên đỉnh Yên Tử thắp hương khấn Phật. Phải mất khoảng 3 tiếng đồng hồ chen chúc giữa dòng người đông đúc mới có thể đặt chân lên chùa Đồng.
3. Tham quan các công trình trên Yên Tử
Như đã nói ở trên, Yên Tử có nhiều công trình linh thiêng trên núi. Dưới đây là một số địa điểm hành lễ và tham quan vãn cảnh cho du khách.
- Suối Giải Oan:
Đến Suối Giải Oan, bạn sẽ được nghe về câu chuyện lịch sử về suối Giải Oan. Rằng, theo tục truyền xưa, khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con và tìm đến cõi Phật thì các cung tần và mỹ nữ của ông lại khuyên ông hãy trở về nơi cung gấm. Khuyên không được, họ đã gieo mình xuống suối tự vẫn. Bởi vậy, nhà vua thương cảm nên đã cho xây dựng một ngôi chùa ở đó để siêu độ và giải oan. Và con suối đó mang tên suối Giải Oan.
- Chùa Hoa Yên:
Chùa Hoa Yên còn được gọi với nhiều tên khác nữa là chùa Cả, chùa Vân Yên hay chùa Phù Vân. Chùa Hoa Yên là nơi chứng kiến vua Trần Nhân Tông dứt bỏ hồng trần hướng tâm về cõi Phật .
Ngôi chùa này mang đậm nét kiến trúc của ngôi chùa thời Lý, thời Trần với kết cấu hình chữ “công” ấn tượng. Toàn bộ hệ thống cánh cửa đều để mộc, không trang trí cầu kỳ. Tượng thờ có trong chùa được vài trí theo phong cách của chùa Việt và Phật giáo Đại thừa. Đặc biệt, chùa có đến 39 pho tượng và là ngôi chùa to lớn nhất của Yên Tử đấy nhé!
- Chùa Đồng:
Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh cao nhất của núi Yên Tử, ở độ cao 1068 m so với mực nước biển. Chùa được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất với chiều cao 3m, rộng 12 m2 và ước tính nặng 60 tấn.
Nếu leo lên đến được chùa Đồng, ngoài thắp hương lễ Phật, bạn sẽ thấy mọi người xoa và sờ tay vào chiếc khánh, quả chuông nhiều nhất bởi mọi người kháo nhau rằng trong đó có rất nhiều vàng ròng.
- Chùa Một Mái:
Chùa Một Mái ở vị trí cao giữa lưng trời và nằm nép bên sườn núi. Đó là vị trí khá đặc biệt. Chùa không lộ hẳn toàn bộ kiến trúc như các ngôi chùa bình thường khác mà một nửa chùa chỉ phô ra bên ngoài một phần mái và mặt tiền mà thôi. Phần còn lại thì ẩn sâu trong hang núi.
Toàn bộ chùa được dựng lên bằng gỗ, chiều cao chỉ hơn đầu người trưởng thành một chút. Chùa hẹp nhưng có các ban thờ vô cùng cân xứng với kích thước của chùa, ẩn chứa bên trong đó là giá trị lịch sử to lớn, không thể tách rời với hệ thống chùa ở Yên Tử.
Yên Tử không chỉ có thế thôi đâu, trên đường leo núi hành hương lễ Phật, bạn còn đi qua nhiều điểm tham quan khác nữa như chùa Bảo Sái, Tháp Tổ, Tháp Huệ Quang, An Kỳ Sinh và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, khu du lịch sinh thái Thác Vàng, thác Bạc.
4. Thưởng thức món ăn đặc sản của Yên Tử
- Dù có đi du lịch Yên Tử vào đúng mùa lễ hội đông đúc người lên kẻ xuống đi chăng nữa thì nhất định vẫn phải nếm thử món ăn làm từ măng trúc tươi Yên Tử và canh gà rượu Bâu Yên Tử. Đó là hai món ăn đặc sản mà du khách thập phương rất thích ăn.
Và nếu đã nếm thử món ăn làm từ măng trúc tươi và trót đắm say mùi vị của nó quá thì bạn hoàn toàn có thể mua về nhà dự trữ ăn dần và tặng bạn bè người thân bởi nó chẳng hề cồng kềnh gì khi mang về đâu nhé!
- Còn đặc sản mua về làm quà thì không thể không nhắc đến mật ong hoa rừng Yên Tử - loại mật ong thượng hạng vô cùng bổ dưỡng; rượu mơ Yên Tử thấm nhuần chất núi Yên Tử, có nhiều tác dụng tuyệt vời trong y học như thanh nhiệt giải độc, lưu thông khí huyết, đánh tan mệt mỏi.
Yên Tử là một chốn linh thiêng. Còn gì tuyệt vời hơn khi xuân này vừa được đi hành hương chiêm bái để cầu bình an, vừa được tham quan vãn cảnh chỉ với một tour du lịch Yên Tử mùa xuân. Xuân này, nhất định phải lên Yên Tử đấy nhé!
Hacici - Vietmountain Travel
Thêm đánh giá